Vụ án Noulens Jakob_Rudnik

Trong thời kỳ hậu Thế chiến thứ Nhất, Cục Tình báo Mật Anh (Secret Intelligence Service - SIS hay MI6 ngày nay) mở rộng hoạt động tại Châu Á nhằm theo dõi và triệt phá mạng lưới của Quốc tế Cộng sản. Cơ quan tình báo này đã bắt được Serge Lefranc (còn có tên khác: Joseph Ducroux), một điệp viên của Quốc tế Cộng sản, đang hoạt động tại Singapore vào ngày 1 tháng 6 năm 1931.[7] Từ những thông tin thu giữ được từ Lefranc, tình báo Anh tại Trung Quốc phát hiện ra địa chỉ những thành viên Quốc tế Cộng sản thường liên lạc với Lefranc, trong đó có Rudnik tại Thượng Hải và Nguyễn Ái Quốc (lúc đó hoạt động dưới tên Tống Văn Sơ) tại Hồng Kông.

Cảnh sát Thượng Hải lần theo địa chỉ được cung cấp bởi tình báo Anh, phát hiện một nhân vật tên Hilaire Noulens, một "giáo sư" người Pháp.[8] Xác nhận đây chính là người lãnh đạo Bộ Liên lạc Quốc tế (OMS) của Quốc tế Cộng sản, vào ngày 15 tháng 6 năm 1931, cảnh sát Thượng Hải bắt Hilaire Noulens và vợ Tatiana Moissenko[1] (có sách viết Tatyana Moiseyenko[8]) tại căn hộ số 235 phố Tứ Xuyên, Thượng Hải.[8] Ban đầu, Noulens và Moissenko khai rằng họ là người Bỉ, với hi vọng thoát khỏi bị bắt giữ nhờ quyền ngoại lãnh thổ (extra-territorial rights) theo luật pháp Bỉ.[8][9] Tuy nhiên, sau khi Sứ quán Bỉ tại Thượng Hải bác bỏ thông tin này, hai người bị chuyển qua Tòa án Thượng Hải để xử lý tố tụng. Ngày 4 tháng 8, theo hướng dẫn của luật sư được thuê bởi Quốc tế Cộng sản[9], Rudnik thay đổi lời khai, tự nhận mình tên Xavier Alois Beuret, quốc tịch Thụy Sĩ. Lần này, Lãnh sự quán Thụy Sĩ cũng bác bỏ thông tin này và tìm ra người tên Xavier Beuret thật hiện đang sinh sống tại Bỉ.[10]

Jakob Rudnik và Moissenko trong nhà tù Trung Quốc năm 1937

Quốc tế Cộng sản liên hệ các nhân viên người Thụy Sĩ đang hoạt động bí mật và tạm sử dụng danh tính của họ cho Rudnik. Do vậy, Rudnik tiếp tục thay đổi tên của mình thành Paul Christian, một thợ vẽ bích họa. Nhưng sau đó, ông lại khai mình tên là Paul Ruegg, một thợ cơ khí người Thụy Sĩ.[10] Do vậy, từ tháng 9 năm 1931, báo chí, dưới sự hậu thuẫn tuyên truyền từ Quốc tế Cộng sản, đồng loạt sử dụng tên "Paul Ruegg" trong các bài báo đưa tin.[9]

Trong thời gian đó, tổ chức Cứu tế Đỏ Quốc tế, một cơ quan chuyên cứu trợ những thành viên bị giam giữ của Quốc tế Cộng sản, đồng thời mở chiến dịch tuyên truyền rộng lớn trên báo giới về "Vụ án Noulens" nhằm thu hút dư luận. Nhà hoạt động chính trị người Đức, Willi Münzenberg, vận động các cảm tình viên Cộng sản lập nên "Ủy ban Quốc tế Bảo vệ Noulens (Ruegg)" (International Noulens (Ruegg) Defence Committee) gây tiếng vang khắp Châu Âu.[11] Nhờ vào tuyên truyền từ tổ chức này, những người nổi tiếng như Albert Einstein, H.G. Wells, bà Tống Khánh Linh (phu nhân Tôn Trung Sơn), Maksim Gorky, Theodore Dreiser, và Henri Barbusse cũng lên tiếng tham gia ủng hộ Noulens.[12][13] Vụ việc thậm chí được đem ra thảo luận tại cả Hạ viện AnhThượng viện Hoa Kỳ.[13]

Sau đó, tin tức về vụ án Noulens và Moissenko, tuy từng là chủ đề quan tâm của báo chí, nhưng sớm bị lu mờ bởi các sự kiện xảy ra sau khi Nhật Bản xâm lược vùng Mãn Châu (đông bắc Trung Quốc), đặc biệt là sự kiện Phụng Thiên, đe dọa an ninh đến Liên Xô.[14]

Noulens và vợ bị tuyên án tử hình vào ngày 19 tháng 8 năm 1932 tại Tòa án thượng thẩm Nam Kinh (tỉnh Giang Tô). Sau đó, Quốc tế Cộng sản chi số tiền lớn, thông qua đại diện liên lạc tại Trung Quốc, nhằm giải cứu Noulens và Moissenko nhưng bất thành. Hai người tiếp tục bị giam giữ tại Nhà tù số 1 Giang Tô. Trong thời gian bị giam, theo lời kể của Noulens sau này, họ thường đấu tranh sự ngược đãi bằng cách tuyệt thực trong tù. Nhưng hình ảnh chụp vào năm 1934 cho thấy họ hoàn toàn không bị ngược đãi.[15]. Sau đó, thế giới hoàn toàn quên lãng vụ án Noulens.

Ngày 27 tháng 8 năm 1937, sau đợt không kích của quân đội Nhật, Noulens và vợ được phóng thích. Họ rời Nam Kinh đến Thượng Hải. Bà Tống Khánh Linh đã hỗ trợ tiền bạc và nơi ở cho họ trong thời gian ở Thượng Hải. Sau khi liên lạc với Quốc tế Cộng sản, cuối cùng họ được bảo lãnh và cung cấp giấy tờ để rời khỏi Trung Quốc vào 25 tháng 7 năm 1939.[15]